Tại buổi làm việc, qua xem xét các báo cáo, giải trình của địa phương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và các thành viên của Đoàn đã ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của tỉnh trong công tác thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình và một số vấn đề liên quan khác. Đoàn đánh giá cao về việc tỉnh Cà Mau đã nghiêm túc tổ chức, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với 04 chuyên đề giám sát. Cụ thể như:
Trong thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã quán triệt nhiều văn bản về công tác Bình đẳng giới như: Luật bình đẳng giới năm 2007, Nghị định số 70/2008/NĐ-CP quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về bình đẳng giới và phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về bình đẳng giới, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 của Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 37/ QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Phòng, chống bạo lực gia đình. Về tình hình thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới cũng có những tiến bộ tích cực trong đó việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục khá tốt. Cụ thể như: qua khảo sát tỷ lệ nữ cán bộ, công chức được bồi dưỡng về chính trị, hành chính, tin học và ngoại ngữ và tham gia các khóa học bồi dưỡng, huấn luyện, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của tỉnh đạt gần 100%. Đoàn ghi nhận các mô hình tuyên truyền hiệu quả như: "Xây dựng gia đình hạnh phúc" CLB “phòng, chống bạo lực gia đình”, "Địa chỉ tin cậy", với nhiều hình thức hoạt động mới như thảo luận nhóm "Cùng tiến bộ" và "Cùng chia sẻ ", CLB "Xây dựng gia đình hạnh phúc".
Bà Nguyễn Thúy Anh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Quốc hội,
Trưởng đoàn giám sát làm việc với UBND huyện Thới Bình và UBND xã Tân Lộc
Về tình hình thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình và Nghị định hướng dẫn thi hành theo Đoàn giám sát, nhìn chung có sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, sự tích cực tham gia của quần chúng nhân dân góp phần làm giảm tình trạng bạo lực gia. Tỉnh Cà Mau đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình ở các cấp qua đó từng bước triển khai tốt các nhiệm vụ theo quy định tại Chỉ thị số 106/2008/CT-TTg ngày 30/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Điểm nổi bật là hàng quý, năm các địa phương đều có báo cáo công tác phòng, chống bạo lực gia đình về UBND, HĐND cấp mình theo quy định.
Đánh giá về tình hình thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình đoàn cho rằng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về Luật hôn nhân và gia đình, cùng các văn bản dưới luật đã được cấp ủy chính quyền địa phương triển khai thực hiện khá tốt. Qua tuyên truyền người dân hiểu được quyền lợi của việc đăng ký kết hôn, điều chỉnh hành vi, tự giác tuân thủ các quy định pháp luật theo luật hôn nhân và gia đình.
Tình hình thực hiện pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo được Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm, tích cực công tác triển khai, quán triệt Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo và Nghị định 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Các văn bản quy định được ban hành tạo điều kiện cho chức sắc, tín đồ tôn giáo an tâm trong sinh hoạt tôn giáo phần lớn chức sắc, chức việc, tín đồ rất phấn khởi từ đó tích cực trong mọi hoạt động, đặc biệt là hoạt động từ thiện xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng hạ tầng nông thôn.
Mặc dù ghi nhận những tiến bộ nhưng các thành viên Đoàn giám sát cũng tỏ ra băn khoăn khi tỉnh cũng còn một số văn bản chậm triển khai, chẳng hạn như Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020 nhưng đến ngày 04/7/2013 Uỷ ban nhân dân tỉnh mới ban hành Kế hoạch số 960/QĐ-UBND về Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Cà Mau từ nay đến năm 2015. Qua các báo cáo đoàn giám sát cũng lo ngại khi tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ, lãnh đạo, quản lý còn thấp so với cả nước như tỷ lệ nữ đảng viên so với tổng số đảng viên là 24,7%; tỷ lệ nữ đảng viên mới so với tổng số đảng viên mới được kết nạp Đảng là 30,3%.
Nhìn chung, qua 5 năm thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình đối với cấp cơ sở còn khá lúng túng, chưa được triển khai thực hiện một cách rõ nét, mới chỉ dừng ở bề nổi như tổ chức tuyên truyền, Hội thi, Hội diễn văn nghệ... cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở đa số kiêm nhiệm, việc tổ chức triển khai, thực hiện các nhiệm vụ công tác gia đình, đặc biệt là công tác thu thập, thống kế số liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình rất khó khăn, hạn chế. Tình trạng bạo lực gia đình còn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, đối tượng bị bạo lực phần lớn là phụ nữ, người già... có nhiều nguyên nhân chính là do sự bất bình đẳng giới, thiếu hiểu biết về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Việc can thiệp trong cộng đồng chưa kịp thời, công tác tuyên truyền, giáo dục chưa sâu, sự vào cuộc của các cấp uỷ, chính quyền còn hạn chế, đa số vụ bạo lực gia đình bị nạn nhân giấu giếm.
Tình hình tôn giáo, tín ngưỡng của tỉnh tuy có ổn định song có nơi vẫn còn một số diễn biến phức tạp, một số tôn giáo chưa được nhà nước công nhận tư cách pháp nhân vẫn còn lén lút hoạt động, nhất là ở các xã nghèo, vùng nông thôn, hẻo lánh. Bên cạnh đó, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về công tác tôn giáo còn có mặt hạn chế, năng lực trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác tôn giáo chưa được đào tạo bài bản, thường xuyên dẫn đến việc khi giải quyết các vấn đề tôn giáo có lúc còn lúng túng, thiếu kịp thời. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh số cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn khá cao 70/167, đây cũng là điều kiện gây khó khăn trong quản lý hoạt động tôn giáo vì dễ trở thành điểm nóng về tranh chấp lợi ích, khiếu kiện đông người vì đây là đất đai, cơ sở thờ tự mang tính cộng đồng.
Trên tinh thần ghi nhận những kết quả đã qua, Đoàn lưu ý trong lãnh đạo địa phương, các ngành hữu quan thời gian tới cần quan tâm một số mặt như sau: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Luật bình đẳng giới và hoạt động của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ từ đó tạo điều kiện củng cố và khắc phục những hạn chế để có biện pháp giúp đỡ kịp thời. Kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hoà giải phù hợp với truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Việc nắm tình hình, thực trạng, thống kê số liệu của một số địa phương, ngành hữu quan vẫn chưa chặt chẽ, thiếu chính xác, cần phối hợp triển khai thực hiện Thông tư số 07/2012/TT-BKHĐT bám sát nội dung của Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới để triển khai thực hiện; việc theo dõi, tổng hợp các số liệu trong một số ngành và lĩnh vực cần được cập nhật, chính xác, khách quan, đánh giá sát đúng thực trạng thì mới đề ra giải pháp phù hợp hiệu quả trong lãnh chỉ đạo.
Cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các đối tượng quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, tuyên truyền giáo dục ý thức cảnh giác của người dân đối với các dịch vụ môi giới lợi dụng hình thức hôn nhân để lạm dụng, buôn bán phụ nữ ra nước ngoài, Mặt trận đoàn thể, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên, chính quyền các cấp cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền hơn nữa nhằm giáo dục, hướng dẫn cho phụ nữ nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng sống, được học tập, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; từng bước khắc phục tình trạng vì đời sống nghèo khó, dân trí thấp, chạy theo lợi ích kinh tế mà phải đi lấy chồng nước ngoài theo dịch vụ môi giới, nhiều rủi ro, dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người và các loại tội phạm, tệ nạn xã hội.
UBND tỉnh, tích cực chỉ đạo các ngành, các cấp nắm chắc tình hình hoạt động của các tôn giáo tín ngưỡng trên địa bàn; tham mưu đề xuất với cấp thẩm quyền chỉ đạo, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng theo đúng quy định; không để xảy ra các “điểm nóng” về tôn giáo, góp phần giữ vững ổn định an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội của tỉnh trong tình hình mới.
Thanh Hương